Chùa Phật Tổ Úc Đại Lợi Chùa Phật Tổ Úc Đại Lợi Chùa Phật Tổ Úc Đại Lợi
Điếu Văn: Vẫn Còn Muôn Đóa Tâm Hoa
HT Thích Đắc Phá

Tưởng Niệm Cố Hòa thượng Thích Đắc Pháp

Ngài đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch ngày 18-1-2013,
nhằm ngày 7 tháng Chạp, năm Nhâm Thìn.

Hậu học Thích Thiện Hữu thành tâm khấu bái!

Kính dâng một bậc Thầy đức độ!

Con vẫn biết chuyện đến đi, qua lại của quí Ngài chỉ như chiếc lá cuối thu, lìa khỏi cây khô để đâm lộc nẫy mầm hoặc ra hoa kết trái phụng hiến cho đời. Lần giở từng trang tiểu sử của Thầy, con cảm nhận được bài học dấn thân, hy sinh tận tuỵ, chấp nhận gian nan khó nhọc của Thầy. Thế mà giờ này, Thầy lại lặng lẽ trở về không môn, lắng sâu trong Niết bàn thường tịch, thong dong nơi một quốc độ khác để tiếp tục dấn thân hành hoá!

Nhớ lại, hơn 30 năm trước, Thầy hay xuống Vạn An, Kim Huê hoặc Long Hoà để chứng dự Phật sự. Biết bao lần con đã gặp Thầy, nhìn Thầy, trong lúc làm bổn phận của một chú thị giả theo hầu quạt bên cạnh những ân sư khả kính.

Khi còn dưới Sa-đéc, mỗi lần theo Hoà thượng bổn sư đến chùa Long Hoà, con đều thấy có sự hiện diện của Thầy. Hồi đó, theo sự nhận xét thô thiển của cá nhân con, những vị ẩn tu ở Vĩnh Long còn rất nhiều, nhưng con chưa đủ phước duyên diện kiến, còn những vị hy sinh, dấn thân, dành nhiều thời gian gánh vác Phật sự trong tỉnh nhiều nhất là sư bác Long Hoà, kế đến là Thượng toạ Đắc Pháp và sư Giác Ánh.

Nhiều lần lên Kim Huê, Thầy thường không đi một mình, mà hay ‘quá giang’ với sư huynh Chơn Tài hoặc sư huynh Minh Phong. Gia đình sư huynh Chơn Tài và nội hội thất chúng tổ đình Vạn An đều kính mến đức độ tu hành của Thầy. Huynh Chơn Tài hồi đó có chiếc xe Hon-da 76 của Nhật, Thầy ngồi xe theo kiểu người xưa, ngồi một bên, cộng với thân tướng không thua người Pháp hoặc dân Châu Âu của Thầy, nên chiếc xe trở nên nhỏ bé và di chuyển có phần chậm chạp nặng nề!

Không biết Thầy học nghề cấy meo nấm rơm hồi nào, nhưng con chắc chắn không phải lúc ở Huệ Nghiêm hoặc Chân Không. Khoảng đầu thập niên 80, khi kinh tế xã hội còn èo ọt, thiếu thốn, bá tánh thập phương thiếu trước hụt sau về cơm ăn áo mặc, thì lấy gì đem vô chùa cúng. Nghĩ đến cách thức sinh tồn lâu dài, Thầy đã đại khai phương tiện, tự mình sản xuất meo nấm rơm, phổ biến khắp nơi trong và ngoài tỉnh.

Con còn nhớ, lúc đó, dưới Vạn An, trên Kim Huê đều tập trung tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc, theo kiểu ‘nông thiền: “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”. Lớn nhỏ gì trong chùa cũng phải đi làm ruộng, khai khẩn vườn tượt, trồng lúa và hoa màu để tồn tại song song với việc tu hành. Thầy trị sự chùa Kim Huê theo tinh thần này triệt để, nên đã mang rơm trên ruộng về để chất nấm. Meo nấm mua của Thầy và kỷ thuật học từ kinh nghiệm thực tế. Ở chùa, làm gì cũng có Phật độ, thần thánh gia trì, nên dễ thành công, trúng mùa. Nấm rơm ăn không hết, bán ra tận chợ Sa-đéc để người dân tiêu thụ. Nhưng nếu không nhờ meo nấm của Thầy chất lượng cao, chưa chắc gì có nấm rơm kho tiêu hoặc nấu cháo nữa!

Để phát triển đồng bộ, nhịp nhàng, Thiền Viện Sơn Thắng, lúc đó, trở thành ‘trung tâm thu mua phế liệu’, nhưng chỉ mua duy nhất là ‘chai nước biển bằng thuỷ tinh’. Thầy phải liên hệ với những bệnh viện trong và ngoài tỉnh để thu mua chai đã sử dụng rồi, sau đó rữa sạch, để đựng meo nấm.

Lâu ngày, uy tín lan tràn khắp nơi, nhiều chùa, nhiều người ùn ùn chất nấm, meo nấm bán không kịp, lại thiếu chai nước biển để đựng. Thầy nghĩ ra cách cấy meo trong bịt ny-lông, một mặt đỡ tốn chi phí, một mặt giải quyết nạn khan hiếm chai nước biển. Kết quả vẫn thành công mỹ mãn. Có thể nói, về mặt kinh kệ nội điển và trãi nghiệm công phu thiền tập, Thầy đã thành công viên mãn. Còn về tinh thần ‘nhất nhật bất tác’ của Thiền gia năm xưa, Thầy cũng là người thành đạt trong việc điều hành, phát triển kinh tế tự túc nữa. Quả thật, mấy mươi năm đạo-đời lưỡng hợp, thong dong tự tại chẳng vướng bận bụi trần. Nếu không phải thiền sư chứng đắc giữa thế trần giả huyễn, thì cũng là bậc đạo nhân, coi thường gian khổ, xem nhẹ lợi danh kia mà!

Hồi con ở Huệ Quang, mỗi khi lên Sài gòn, Thầy đều ghé thăm sư bác Huệ Hưng với tấm lòng ‘tôn sư trọng đạo’ như xưa. Nghĩ lại, từ lúc hạnh duyên tiếp xúc với Thầy dưới Vĩnh Long, hoặc trên Sa-đéc, cho đến sau này diện kiến trên Sài gòn, Thầy vẫn là vị Thiền sư khiêm cung, điềm đạm, ít nói, nhưng nội lực tu hành dũng mãnh, thâm hậu đáng bậc ‘long tượng’ nhà Thiền. Bên trong Thầy là cả tinh thần hiếu đạo tuyệt vời, không chỉ của Nho gia mà còn lẫn cả Phật đà. Đối với những bậc ân sư như sư bác Huệ Hưng, như Hoà thượng Trúc Lâm, con thấy Thầy một mực kính thờ, nhất tâm vâng lời chỉ giáo của quý Ngài!

Nếu có phát ngôn, Thầy cũng nói rất chậm rãi, nhỏ nhẹ từ tốn. Những lần hầu chuyện, đối diện với sư bác Huệ Hưng tại Huệ Quang, giọng nói của Thầy đã nhỏ lại còn nhỏ hơn nữa. Con phải tập trung thiền định lắm mới nghe Thầy nói gì! Tất cả những cử chỉ của Thầy đều khế hợp đạo Thiền, đều biểu hiện pháp vị an lạc của bậc xuất trần!

Thầy được nuôi dưỡng không phải chỉ có nghĩa tình trong sơn môn thiền phái, mà còn được hàm dưỡng từ dòng đời với biết bao thử thách gian nan. Nhưng, lúc nào con cũng thấy Thầy an tại lạ thường. Gương mặt Thầy không biểu lộ sự lo lắng, buồn rầu của thế thái nhân tình, mà luôn toát ra niềm hoan hỷ vô biên từ trong tâm thức. Trái tim Thầy lúc nào cũng rộng mở mênh mông như sông nước Cữu Long, cao thượng một cách tự nhiên như ruộng lúa phì nhiêu trù phú của miền Nam nước Việt.

Lớp đệ tử xuất gia đầu tiên của Thầy, như huynh Trí Hải, Trí Thông ít nhiều gì cũng biết được tấm lòng của Thầy, nên quý huynh đều chuyên tâm công phu hành trì nhiều hơn chạy theo văn bằng học vị. Có lẽ, Thầy chỉ đau lòng khi nhìn thấy những luống nấm rơm của những nhà sản xuất không ra nấm như ước muốn. Thầy chỉ đau lòng khi nhìn thấy môn nhân, tử đệ không chuyên tâm tu học như chính bản thân Thầy!

Thân tướng của Thầy cao đẹp, dung nghi của Thầy đỉnh đạt như thiên sơn hùng tráng. Cả cuộc đời Thầy là bài học thuỷ chung như nhất, đầy ấp yêu thương, không những với Tông phong, với quê hương dân tộc, mà còn với Tăng-Ni, Phật tử xa gần!

Ôi, có nói ngàn lời tán dương, có cúi đầu đảnh lễ muôn vạn lần cũng bằng thừa. Chỉ cần học hạnh hỹ xả vị tha, học hạnh khiêm cung từ ái, học đức hiếu nghĩa từ trái tim Thầy mới là cách tôn vinh giá trị đời Thầy một cách tốt nhất!

Nhìn những hình ảnh tang lễ của Thầy, thấy những chiếc y vàng giải thoát còn hiện hữu trên dương gian, lòng con vui mừng, phát khởi một niềm tin tuyệt đối: nơi cõi Ta bà phủ đầy gấm hoa thượng diệu, trong ngôi nhà Phật pháp vẫn còn muôn đoá tâm hoa!!!

Úc Châu, 22-01-2013
Hậu học Thích Thiện Hữu

Contact Information

121 Attunga St., Greenbank, Logan, Qld 4124, Australia
Phone: +61 431 456 244
E-mail: thienhuu5@gmail.com daovaodoi2015@gmail.com